Soikeobanh – Trong cuộc sống, con người thường bị hai khuynh hướng tình cảm chi phối và dẫn dắt, đó là yêu và ghét. Hai thái cực tình cảm này vốn dĩ đối lập nhưng giữa chúng luôn tồn tại một làn ranh giới mỏng manh. Bạn có thể từng yêu người này nhưng sau đó lại “quay ngoắt 180 độ”, hoặc ngược lại. Thế nhưng đôi khi yêu thì chưa chắc đã cần lý do, còn ghét thì có.
Tại sao người hâm mộ Arsenal lại ghét Samir Nasri đến vậy? Đó là câu hỏi mà chúng ta đã cố gắng tìm hiểu để đưa ra câu trả lời từ một thập kỷ trước, thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại có vẻ như mọi thứ vẫn chưa thật sự rõ ràng.
Số là trong trận đại chiến tại vòng 8 Premier League giữa Arsenal và Manchester City, Nasri với tư cách là bình luận viên của kênh truyền trình Canal+ của Pháp, có mặt trên SVĐ Emirates để tham gia vào công tác bình luận. Đó là điều hợp lý bởi trong quá khứ Nasri từng khoác áo cả hai đội bóng này và sự xuất hiện của anh với những nhận định cá nhân chắc chắn sẽ đem lại cho khán giả truyền hình góc nhìn đa chiều hơn.
Thế nhưng mọi thứ chỉ thực sự bắt đầu sau khi trọng tài Michael Oliver thổi còi kết thúc trận đấu với chiến thắng 1-0 dành cho đội chủ nhà Arsenal. Sau khi lên tiếng chúc mừng các Pháo thủ để chuẩn bị đi vào khu vực họp báo sau trận đấu, Nasri bất ngờ bị một người đàn ông được xác định là CĐV Arsenal buông lời thóa mạ, đồng thời liên tục “tác động vật lý” vào người. Quá bất ngờ với những gì diễn ra trước mắt, cựu cầu thủ của ĐTQG Pháp đã tỏ ra hết sức bực tức. Phải đến khi các nhân viên bảo vệ của Arsenal lao vào ngăn cản hành vi quá khích của người đàn ông lạ mặt, mọi chuyện mới tạm lắng xuống.
Xét cho cùng, đó là một hành động không đẹp trong bóng đá và xứng đáng bị lên án. Tuy nhiên nó cũng để lại cho chúng ta cảm nhận sâu sắc về sự thù hận của một bộ phận người hâm mộ Arsenal dành cho Nasri không hề phai mờ dù đã hơn 10 năm trôi qua, kể từ ngày ngôi sao trong mắt họ hóa thân thành Judas khi nhất quyết chuyển tới đầu quân cho Man City.
Trong một bài khảo sát cách đây vài năm, người ta đã lựa chọn ra 4 cái tên mà các Gooners ghét nhất. Và Nasri là nằm trong số đó, bên cạnh “đệ nhất Judas” Emanuel Adebayor, Robin van Persie và Ashley Cole. Giữa 4 con người này có một điểm chung là đều từng thành danh trong màu áo đỏ trắng dưới triều đại Arsene Wenger. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn ở lại để trở thành huyền thoại đội bóng, họ lại quyết định đầu quân cho các CLB kình địch của Arsenal. Riêng cá nhân Nasri, sau 3 mùa giải thăng hoa tại Emirates (giai đoạn 2008-2011), tiền vệ sinh năm 1987 quyết định không gia hạn hợp đồng để mở đường chuyển tới Man City, khi ấy đang dần trở thành một thế lực mới tại Premier League nhờ túi tiền không đáy của các ông chủ Ả Rập giàu có. Và tất nhiên cái giá để sở hữu tiền vệ sáng tạo bậc nhất Châu Âu thời điểm ấy lên đến 24 triệu bảng, bất chấp Nasri chỉ còn đúng 1 năm hợp đồng với Arsenal.
Mối quan hệ giữa Nasri và người hâm mộ Arsenal cũng từ đó ngày càng trở nên xấu đi. Còn nhớ trong lần đầu tiên trở lại Emirates vào tháng 4/2012, các Gooners đã liên tục buông lời sỉ nhục cầu thủ người Pháp, thậm chí giăng hẳn biểu ngữ với hình ảnh Nasri bên cạnh biểu tượng ký hiệu đồng bảng Anh cùng dòng chữ Petite Pute (trong tiếng Pháp có nghĩa là “con điếm rẻ tiền”).
Sau khi cùng Man City chinh phục chức vô địch Premier League đầu tiên vào cuối mùa giải năm đó, Nasri đã có động thái đáp trả: “Tôi đã cùng Man City vô địch Premier League ngay trong mùa giải đầu tiên của tôi ở đây. Rời Arsenal để chuyển tới Man City rõ ràng là một quyết định đúng đắn. Trước đây, tôi đã nói rằng mình ra đi để chinh phục các danh hiệu. Ban đầu, tôi không hề ác cảm gì với CĐV Arsenal. Nhưng khi họ bắt đầu hành xử một cách quá đáng, tôi đã không thể nhẫn nhịn thêm nữa”.
Chuyện này vẫn tiếp dẫn suốt nhiều năm, đến nỗi “khổ chủ” Nasri lại tiếp tục đáp trả vào năm 2014: “Việc các CĐV Arsenal liên tục chửi rủa tôi sẽ chẳng mang lại kết quả gì. Tôi nghĩ họ ngu ngốc khi cứ mãi làm như vậy. Tôi không phải là một fan của Arsenal, cũng chẳng đến từ London. Thành thật mà nói tôi chỉ là một cầu thủ và tôi muốn sự nghiệp của mình ngày càng phát triển. Có thể họ sẽ xem tôi là kẻ phản bội hay gì đó nhưng tôi không quan tâm. Rất nhiều cầu thủ giỏi khác như Adebayor, Kolo Toure và Sagna cũng từng ra đi khỏi Arsenal và tôi cũng như họ”.
Ngược dòng quá khứ trở lại những ngày tháng đầu tiên trong sự nghiệp chơi bóng của mình trên đất Anh, cái tên Nasri gợi cho chúng ta cảm nhận về một chàng tiền vệ có lối chơi hoa mỹ với kỹ thuật cá nhân cực tốt, cũng như sở hữu nhãn quang chuyền bóng xứng đáng với danh xưng “Zidane mới” của nước Pháp. Mùa hè 2008, để có được viên ngọc quý từ Olympique Marseille, HLV Arsene Wenger đã chi ra 12 triệu bảng, số tiền bằng đúng những gì ông nhận lại từ thương vụ để Alexander Hleb chuyển đến Barcelona. Tài năng của Hleb khi ấy như thế nào chắc ai cũng đã biết, vậy mà Arsenal gần như chấp nhận trả giá tương đương, đủ thấy niềm tin của chiến lược gia người Pháp vào sao mai đồng hương là lớn thế nào.
Đáp lại sự kỳ vọng lớn lao ấy, Nasri cũng đã lập tức chứng tỏ tài năng. Anh ghi bàn ngay trận đầu tiên ra mắt Premier League, tiếp tục ghi bàn ở trận đầu tiên ra mắt Champions League, trước khi lập cú đúp bàn thắng để hạ gục Manchester United tại Emirates chỉ 4 tháng sau khi chân ướt chân ráo tới Anh chơi bóng. Bất ngờ hơn, khi ấy Nasri mới 21 tuổi. “Một gã gangster chính hiệu. Những cầu thủ như vậy luôn có mặt ở mọi nơi. Sự mạnh mẽ, đôi khi ngổ ngáo của cậu ấy nhiều lúc lại trở nên tích cực, đặc biệt là trên sân bóng, một nơi luôn đòi hỏi tinh thần chiến đấu rất cao”, đó là những lời cựu thủ thành của Arsenal, Wojciech Szczesny từng nói về Nasri trong một bài phỏng vấn trên kênh YouTube Foot Truck diễn ra vào năm 2019.
Đó cũng chính xác là những lời tóm tắt về tài năng và tính cách của Nasri – nét chấm phá của “Wenger’s team” những năm cuối của thập niên 2010. Nasri tin tưởng tài năng của bản thân vượt trội hơn phần đông các cầu thủ khác chơi cùng vị trí, thậm chí có phần hơi kiêu ngạo thái quá. Thế nhưng cũng chính vì “đức tin” ấy đã giúp chàng thanh niên gốc Algeria ngày đó bay cao và bay xa trong những năm tháng đầu tiên của sự nghiệp. Là nhân tố chính giúp U17 Pháp vô địch Euro 2004, Nasri sớm được trao cơ hội ra mắt ĐT Pháp khi mới 19 tuổi. Tiếp theo đó, anh được vinh danh là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất nước Pháp năm 2007. Để rồi chỉ 3 năm sau đó, Nasri tiếp tục được tạp chí France Football bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất nước Pháp năm 2010. Và Nasri cũng chính là cầu thủ người Pháp thứ 3 từng thi đấu tại Arsenal nhận giải thưởng này, bên cạnh những huyền thoại như Thierry Henry và Patrick Vieira.
Tiêu biểu là trường hợp của Mathieu Flamini – mắt xích tối quan trọng trong bộ tứ hàng tiền vệ ở mùa giải 2007/2008. Cụ thể, Flamini quyết định rời Arsenal theo dạng chuyển nhượng tự do vào mùa hè 2008 bằng phát biểu đầy cay đắng với Sky Sport: “Chính BLĐ Arsenal đâu có nghĩ gì đến tôi. Họ đã lưỡng lự đưa ra một bản hợp đồng mới khi biết rằng hợp đồng của tôi sắp hết. Rõ ràng, tôi cần được trả lương xứng đáng với những gì tôi cống hiến cho CLB. Nhưng họ từ chối nên tôi phải đưa ra quyết định cho tương lai của mình. Nếu chỉ nghĩ đến tiền, tôi đã không ở lại Arsenal những 4 năm với mức lương không đổi từ lúc tôi đến đó. Tôi chỉ cảm thấy mình không được tôn trọng đúng với sự đóng góp trên sân cỏ”.
Sau này điều tượng tự cũng đến với một công thần người Pháp khác. Bacary Sagna rời Arsenal ở mùa hè 2014 vì chỉ được đề nghị ký hợp đồng mới với mức lương 70.000 bảng/tuần. Nên biết rằng trong 8 năm chơi bóng tại Emirates trước đó, mức lương của Sagna là 60.000 bảng/tuần.
Những câu chuyện trên đã chỉ ra sự eo hẹp của ngân quỹ Arsenal trong kỷ nguyên đầu nắm quyền của gia đình nhà Kroenke. Bản thân HLV Arsene Wenger cũng là một nạn nhân trong thời kỳ tăm tối ấy. Không chỉ không được cấp tiền mua sắm ngôi sao, ông còn mất đi những tài năng sáng giá do chính bản thân phát hiện và đào tạo. Đỉnh điểm là ở mùa hè 2011, thời điểm mà chiến lược gia người Pháp từng nhiều lần mô tả là năm ác mộng nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông tại Arsenal.
Khi mùa giải 2010/2011 sắp đi đến hồi kết, Arsenal thất bại toàn tập trong cuộc chiến cạnh tranh danh hiệu (đặc biệt là thất bại tủi hổ trong trận chung kết League Cup với Birmingham City), đức tin của nhiều trụ cột trong đội bóng vào kế hoạch tái thiết của HLV Wenger dần dần sụp đổ. Nhiều người lờ mờ đoán được khả năng đội trưởng Fabregas rời đi theo tiếng gọi của Barcelona ngay trong mùa hè 2011. Những trụ cột khác cũng bắt đầu manh nha ý định rời Emirates, trong đó có Nasri. Trước truyền thông trong chuyến du đấu tiền mùa giải tại Singapore, HLV Wenger khi ấy vẫn nói cứng: “Arsenal sẽ không bán cả Fabregas lẫn Nasri. Hãy thử tượng tượng kịch bản tồi tệ nhất, chúng tôi mất đi 2 ngôi sao sáng giá nhất trên hàng tiền vệ trong một mùa hè. Không! Điều đó là không thể! Nếu điều này xảy ra, chúng tôi chẳng thể thiếu phục mọi người rằng Arsenal là một đội bóng giàu tham vọng”. Và phần còn lại chính là lịch sử cay đắng.
Sau tất cả, Nasri đã không sai khi rời Arsenal để chuyển đến Man City, một nơi đáp ứng cho anh trọn vẹn tất cả, từ mức lương 200.000 bảng tuần cho đến 2 danh hiệu vô địch Premier League. Với một người có cá tính ngổ ngáo như Nasri, anh chọn cách đối đầu thay vì im lặng. Đó chính là lý do cho đến tận bây giờ cựu ngôi sao của tuyển Pháp vẫn dính vào những rắc rối không đáng có. Xét cho cùng, sự thù hận mà người hâm mộ Arsenal dành cho cựu ngôi sao này là một phần khắc nghiệt của bóng đá. Bởi trong tình yêu không mấy ai đủ sự bao dung để mừng cho hạnh phúc của người yêu cũ cả.