Việc tiền đạo Tiến Linh phải nhận thẻ đỏ do hành động chơi xấu đối thủ một lần nữa cho thấy cầu thủ Việt Nam vẫn còn đang duy trì những thói quen cũ, khi bước ra sân chơi quốc tế.
Trong trận đấu giao hữu FIFA Days tháng 10 vào tối qua (10/10), đội tuyển Việt Nam đã phải nhận trận thua 0-2 trước đội chủ nhà Trung Quốc sau các pha lập công của Wang Qiuming và Wu Lei ở các phút 56 và 90+8.
Thất bại này đã chính thức khép lại ‘tuần trăng mật’ của HLV Philippe Troussier với bóng đá Việt Nam. Trước đó ông thầy người Pháp đã có màn ra mắt tương đối thành công khi giúp đội tuyển Việt Nam toàn thắng trước các ‘quân xanh’ Hồng Kông, Syria, Palestine.
Ở ba trận đấu đó, ‘Những chiến binh sao vàng’ đã ghi 4 bàn và không để thủng lưới lần này. Tuy nhiên khi phải làm khách trước một đối thủ khó chịu hơn là Trung Quốc, đoàn quân của ông Troussier đã không còn là chính mình. Dù cầm bóng tốt và chơi lấn lướt đối phương trong suốt trận đấu nhưng tuyển Việt Nam lại bộc lộ nhiều hạn chế ở khả năng phối hợp tấn công và tận dụng cơ hội.
Tệ hơn là ở cuộc đọ sức vừa rồi, ngôi sao nhận được nhiều sự kỳ vọng – tiền đạo Nguyễn Tiến Linh lại gây thất vọng với tình huống chơi xấu đối thủ ở một pha tranh chấp bóng rất bình thường trong những phút cuối trận, để rồi sau đó đã bị trọng tài truất quyền thi đấu khi VAR vào cuộc.
Trong một trận đấu giao hữu vô thưởng, vô phạt không mang quá nhiều ý nghĩa, việc Tiến Linh dính thẻ đỏ thực sự là điều đáng tiếc. Nhưng mặt khác đó cũng là lời cảnh tỉnh để các cầu thủ Việt Nam biết kiềm chế mình khi đã ra thi đấu ở sân chơi bóng đá quốc tế.
Chứng kiến việc Tiến Linh thúc cùi chỏ khiến cầu thủ nhập tịch Trung Quốc, Jiang Guangtai đã nổi nóng, lao vào đòi ăn thua đủ, bình luận viên kỳ cựu Quang Tùng cũng phải thừa nhận: “Tiến Linh cần tiết chế với những tình huống đưa tay ra thừa thãi như thế”.
Cũng nói về tình huống này, BLV Quang Huy lại cho rằng có thể Tiến Linh định dằn mặt trung vệ đối phương. Vì đó là cầu thủ nhập tịch nên có lẽ Tiến Linh suy tính khác đi, còn nếu là cầu thủ người Trung Quốc thì có lẽ chân sút Bình Dương sẽ không hành động như vậy vì đang trên sân đối phương.
Trên thực tế, Tiến Linh có lẽ đã thoát được thẻ đỏ nếu như trận đấu không có VAR giống như trước đây. Nhưng trong thời buổi công nghệ ngày càng phát triển, việc VAR xuất hiện trong các trận đấu bóng đá thực sự là rất cần thiết. Và khi ấy các hành động chơi xấu đối thủ cũng sẽ không còn ‘đất diễn’.
Có lẽ sau hành động vừa rồi, chắc chắn không chỉ Tiến Linh mà các cầu thủ Việt Nam cũng sẽ phải tự kiểm điểm lại chính mình để tránh lặp lại những chuyện đáng tiếc. Cần nhớ rằng đội tuyển Việt Nam đã nhận tới 7 quả phạt đền ở vòng loại World Cup 2022. Và cũng đã không ít lần công nghệ VAR có mặt để ‘trừng phạt’ dàn sao tuyển Việt Nam sau những tình huống chơi tiểu xảo, đánh nguội đối phương.
Có thể nói khi công nghệ trọng tài video đã được FIFA cấp phép trong các trận đấu bóng đá thì đó cũng là thời khắc đánh dấu cho ngày tàn của lối chơi tiểu xảo, đánh nguội, nhuốm màu bạo lực phi thể thao. Điều đó sẽ không còn cơ hội tồn tại khi ai cũng hiểu là mọi tình huống, diễn biến trên sân đều được camera ghi hình và không thể qua mắt được tổ trọng tài phòng VAR.
Bởi vậy thay vì nghĩ tới việc ‘đá láo’, cầu thủ Việt Nam cần nỗ lực nâng cao trình độ, thể lực, bản lĩnh của mình trước các đối thủ. Các cuộc chơi đã trở lên sòng phẳng, công minh hơn kể từ lúc có sự xuất hiện của VAR. Thế nên các cầu thủ đừng nghĩ là mình sẽ có thể qua mặt được trọng tài trong các trận đấu áp dụng công nghệ mới này.
Có thể nói tấm thẻ đỏ của Tiến Linh vừa đáng chê, song đồng thời cũng là bài học lớn với tuyển Việt Nam trên hành trình vươn ra ‘biển lớn’. Khi công nghệ VAR đang dần được phổ biến, ngay cả đến giải V-League cũng đã được sử dụng VAR từ cuối mùa bóng vừa qua thì chắc chắn những pha chơi tiểu xảo, đánh nguội trên sân cỏ sẽ không còn chỗ dung dưỡng.
Để bóng đá Việt thực sự chuyên nghiệp và phát triển, thiết nghĩ các cầu thủ phải chính là những người đầu tiên cần phải chuyên nghiệp. Bởi một khi vẫn giữ nếp cũ thì chính các cầu thủ Việt sẽ tự làm khó mình khi ra đấu trường quốc tế.